BẢN LUẬT CÓ SẮC CHỈ[1]
       Với sắc chỉ “Solet annuere” (“Có thói quen chấp nhận”), Đức Giáo Hoàng Hônôriô III đã “xác nhận” Bản Luật chung kết của thánh Phanxicô. Người cũng đã cho ghi lại toàn bản văn của Luật Dòng trong sắc chỉ ấy. Nguyên bản của sắc chỉ nay được lưu trữ tại Sacro Convento (Tu viện thánh) ở Assisi như một di tích quí giá. Một bản sao xác thực của sắc chỉ được lưu trữ tại Văn khố của Tòa Thánh.
          Qua sắc chỉ “Solet annuere”, Đức Thánh Cha Hônôriô III đã “xác nhận” (“confirmamus”) và “phê chuẩn” (“communimus”, củng cố) một bản luật đã được Đức Giáo hoàng Innôxentiô III
 “chấp thuận” (approbatam). Như vậy sắc chỉ “Solet annuere” cho thấy rõ ràng việc làm này của Đức Giáo hoàng Hônôriô không vi phạm điều 13 của Công đồng Latêranô IV (1215) theo đó Công đồng cấm không được viết luật dòng mới. Đàng khác qua kiểu nói “xác nhận” Đức Giáo hoàng Hônôriô xem ra muốn nêu ra một chân lý mà ngày nay một số người nghi ngờ: đó là sự tương đồng trong bản chất không những giữa bản luật này với bản luật 1221, mà còn với bản Luật tiên khởi và những bổ sung tiếp theo được thực hiện trong thời gian Đức Giáo hoàng Innôxentiô III tại vị.
        
Mặc dầu Bản Luật Dòng 1223 được viết ra với sự giúp đỡ của một số cộng sự viên, tuy nhiên, xét về cơ cấu, lời lẽ và ý tưởng, thánh Phanxicô vẫn là tác giả chính của Bản Luật.

        Theo truyền thống lâu đời của Dòng, khi đọc công khai Bản Luật –điều mà ngày nay vẫn còn làm– người ta đọc cả lời mở đầu và lời kết của sắc chỉ. Vì thế, chúng tôi đặt những lời ấy trong ngoặc để phân biệt với lời lẽ của Bản Luật.
BẢN VĂN
    [Hônôriô[2], Giám mục, Tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa, gửi lời chào và phép lành Tòa Thánh đến các con yêu dấu, là tu sĩ Phanxicô và các anh em khác thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn.

      Tòa Thánh thường có thói quen chấp nhận những nguyện vọng lành thánh và ân cần đáp ứng những ước muốn chính đáng của những người thỉnh cầu. Vì vậy, hỡi các con yêu dấu trong Chúa, chiều theo lời xin lành thánh của các con, Ta lấy quyền tông đồ xác nhận Luật Dòng các con, đã được Đức Giáo hoàng Innôxentiô, vị tiền nhiệm đầy danh thơm của Ta, chấp thuận và được ghi lại đây, và với sự bảo đảm của sắc chỉ này Ta phê chuẩn Luật ấy. Luật ấy như sau]:[3]

Chương I: NHÂN DANH CHÚA!
KHỞI ĐẦU ĐỜI SỐNG ANH EM HÈN MỌN

(1) Luật và đời sống Anh Em Hèn Mọn là tuân giữ thánh Phúc âm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, bằng cách sống vâng phục, không có của riêng và khiết tịnh.

(2) Tu sĩ Phanxicô tuyên hứa vâng phục và kính trọng Đức Giáo hoàng Hônôriô cùng các Đấng kế vị ngài nhậm chức theo Giáo Luật, cũng như vâng phục và kính trọng Hội Thánh Rôma. (3) Còn các anh em khác buộc phải vâng phục tu sĩ Phanxicô và những người kế vị.

Chương II

NHỮNG NGƯỜI MUỐN ĐÓN NHẬN ĐỜI SỐNG NÀY
 VÀ CÁCH THỨC TIẾP NHẬN HỌ

(1) Những ai muốn đón nhận đời sống này và đến với anh em, thì anh em phải gửi họ đến với anh Tỉnh Phục vụ. Chỉ những anh này thôi, chứ không phải ai khác, được phép nhận những anh em mới. (2) Các anh Tỉnh Phục vụ hãy xem xét họ kỹ càng về đức tin công giáo và các bí tích của Hội Thánh. (3) Nếu họ tin, lại muốn trung thành tuyên xưng và kiên vững tuân giữ mọi điều ấy cho đến cùng, (4) và nếu họ không có vợ, hoặc nếu có, thì người vợ đã vào dòng hay đã ưng thuận dự định của chồng, với phép của Đức Giám mục giáo phận, sau khi chính bà đã khấn giữ tiết dục, lại đã đến một tuổi không thể gây ra chuyện gì khả nghi nữa, (5) thì các anh Tỉnh Phục vụ hãy nói với họ lời thánh Phúc âm này: hãy đi bán tất cả tài sản mình và lo phân phát cho người nghèo (x.Mt 19,21). (6) Nếu họ không thể làm được như vậy, nhưng thật lòng muốn thì cũng đủ. (7) Phần anh em cũng như các anh phục vụ, hãy ý tứ đừng bận tâm đến những của cải trần thế của họ, để họ được thong dong thu xếp của cải mình theo ơn Chúa soi sáng. (8) Tuy nhiên nếu họ hỏi ý kiến, các anh phục vụ có thể gửi họ đến những người kính sợ Thiên Chúa, để nhờ những người ấy góp ý, họ sẽ phân phát của cải mình cho người nghèo.(9) Sau đó, hãy cho họ bộ đồ tập tu, tức là hai chiếc áo dài không có lúp, một sợi dây, vài chiếc quần ngắn, và một áo choàng dài tới thắt lưng; (10) trừ ra đôi khi các anh phục vụ xét định thể khác theo ý Thiên Chúa.

(11) Hết năm thử luyện, họ sẽ được nhận vào đời sống vâng phục, tuyên hứa luôn luôn tuân giữ đời sống và Bản luật này. (12) Từ nay, theo lệnh Đức Thánh Cha[4], tuyệt đối họ sẽ không được phép ra khỏi Dòng, (13) vì theo lời thánh Phúc âm: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

(14) Những ai đã tuyên hứa vâng phục sẽ được một chiếc áo dài có lúp và một chiếc khác không có lúp, nếu họ muốn. (15) Những ai vì nhu cầu cần thiết, thì có thể đi giày. (16) Tất cả anh em hãy mặc quần áo thô hèn và có thể lót thêm bằng vải sô hay các mảnh vải khác, và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho. (17) Tôi nhắc nhở và khuyến khích anh em đừng khinh dể và phê phán những người trang phục xa hoa, sặc sỡ, và ăn uống cao lương mỹ vị, nhưng tốt hơn, mỗi người hãy tự phê phán và khinh dể chính mình.

Chương III

THẦN VỤ, CHAY TỊNH VÀ CUNG CÁCH ANH EM
PHẢI CÓ KHI ĐI RA GIỮA ĐỜI

(1) Các anh em giáo sĩ[5] phải cử hành thần vụ theo nghi thức của Hội Thánh Rôma[6], trừ ra tập thánh vịnh[7]; (2) do đó, anh em có thể có sách nhật tụng. (3) Còn các anh em giáo dân hãy đọc hai mươi bốn kinh Lạy Cha vào giờ Kinh Sách; giờ Kinh Sáng năm kinh; giờ thứ Nhất, giờ thứ Ba, giờ thứ Sáu và giờ thứ Chín mỗi giờ bảy kinh; giờ Kinh Chiều mười hai kinh; giờ Kinh Tối bảy kinh. (4) Và anh em hãy cầu nguyện cho những người đã qua đời.

(5) Anh em phải giữ chay từ lễ Các Thánh đến lễ Giáng Sinh. (6) Và mùa Chay thánh bắt đầu từ lễ Hiển Linh đến bốn mươi ngày kế tiếp, mà Chúa đã thánh hiến bằng chay tịnh thánh thiện của Người (x.Mt 4,2), anh em nào muốn giữ thì xin Chúa chúc lành cho, anh em nào không muốn thì không buộc. (7) Nhưng mùa Chay trước lễ Phục Sinh thì anh em phải giữ. (8) Trong những mùa khác, anh em chỉ phải giữ chay ngày thứ sáu. (9) Nhưng khi có sự cần thiết rõ ràng, anh em không buộc phải giữ chay phần xác.

(10) Tôi khuyên bảo, nhắc nhở và khuyến khích các anh em của tôi trong Chúa Giêsu Kitô: khi đi ra giữa đời, thì đừng cãi cọ và tranh luận với lời qua tiếng lại (x.2Tm 2,14), cũng đừng xét đoán kẻ khác; (11) nhưng hãy tỏ ra dịu dàng, hiền hòa và từ tốn, khả ái và khiêm nhường, nói năng tử tế với hết mọi người sao cho thích hợp.(12) Anh em không được đi ngựa, trừ trường hợp rõ ràng cần thiết hoặc bệnh tật.(13) Khi vào nhà nào, trước tiên anh em hãy chào: “Chúc nhà này được bình an” (x.Lc 10,5). (14) Và theo thánh Phúc âm, anh em được phép dùng những thức ăn người ta dọn cho (x.Lc 10,8).

Chương IV

ANH EM KHÔNG ĐƯỢC NHẬN TIỀN BẠC

(1) Tôi mạnh mẽ truyền lệnh cho toàn thể anh em là không được nhận tiền hoặc bạc bằng bất cứ cách nào, do chính mình nhận, hoặc nhờ người trung gian. (2) Tuy nhiên, để cung cấp những thứ cần thiết cho anh em đau ốm và để may mặc cho anh em khác, thì chỉ các anh Phục vụ và là những người gìn giữ anh em mới được nhờ cậy các bạn hữu thiêng liêng để ân cần lo liệu, tùy nơi chốn, thời tiết và miền giá lạnh, như các anh ấy nhận thấy là phù hợp với nhu cầu; (3) miễn là luôn giữ điều đã nói, là không được nhận tiền hoặc bạc[8].

Chương V

CÁCH THỨC LÀM VIỆC

(1) Những anh em được Chúa ban ơn làm việc, thì hãy làm việc một cách trung tín và nhiệt thành[9]. (2) Như thế, một khi tránh được sự ở nhưng có hại cho linh hồn, họ không dập tắt thần khí cầu nguyện và sốt mến, là đối tượng mà mọi thực tại trần gian khác phải tuỳ thuộc. (3) Về thù lao công việc, anh em được nhận những gì cần thiết cho đời sống vật chất của mình và của anh em, ngoại trừ tiền và bạc. (4) Anh em hãy nhận cách khiêm nhường, như những tôi tớ của Thiên Chúa và những người bước theo đức nghèo rất thánh[10].

Chương VI

ANH EM KHÔNG ĐƯỢC CHIẾM HỮU GÌ HẾT;
VIỆC ĐI XIN CỦA BỐ THÍ
VÀ CÁC ANH EM ĐAU YẾU

(1) Anh em không được chiếm hữu gì hết, nhà cửa, nơi chốn hoặc bất cứ của gì. (2) Như những kẻ lữ hành và khách lạ ở đời này (x.1Pr 2,11), phụng sự Chúa trong nghèo khó và khiêm nhường, anh em hãy đi xin của bố thí với lòng tin tưởng, (3) không được hổ thẹn, vì Chúa đã làm người nghèo khó ở thế gian này vì chúng ta (x.2Cr 8,9). (4) Đó chính là thượng đỉnh của đức nghèo rất cao cả: đức ấy đã đặt anh em, những anh em rất thân mến của tôi, làm những người thừa tự và vua Nước Trời, nghèo khó về của cải nhưng cao sang về nhân đức (x.Gc 2,5). (5) Chớ gì đó là phần gia nghiệp của anh em dẫn tới miền đất dành cho kẻ sống (x.Tv 141,6). (6) Anh em rất thân mến, hãy hết lòng gắn bó với phần phúc ấy và, vì danh Chúa Giêsu Kitô, đừng muốn có của cải gì khác nữa dưới bầu trời.

(7) Dù ở nơi nào hay gặp nhau ở đâu, anh em hãy tỏ ra là anh em một nhà. (8) Người này hãy tin tưởng cho người kia biết nhu cầu của mình, vì nếu một người mẹ nuôi dưỡng và yêu thương đứa con huyết nhục của mình (x.1Tx 2,7), thì mỗi người lại phải yêu thương và dưỡng nuôi anh em thiêng liêng mình ân cần hơn là dường nào? (9) Nếu ai trong anh em ngã bệnh, các anh em khác phải phục vụ người ấy như mình muốn được phục vụ (x.Mt 7,12)

Chương VII

CÁCH RA VIỆC ĐỀN TỘI
CHO NHỮNG ANH EM PHẠM TỘI

(1) Nếu có những anh em, vì Kẻ Thù xúi giục, mà phạm một tội trọng, trong những tội đã qui định giữa anh em là phải chạy đến các anh Tỉnh Phục vụ mà thôi, thì những anh em nói trên phải chạy đến các anh ấy sớm chừng nào hay chừng nấy, không chút trì hoãn. (2) Phần các anh Phục vụ, nếu là linh mục[11], thì hãy ra việc đền tội cho họ với lòng nhân từ; nếu không phải là linh mục thì nhờ các anh em linh mục của Hội Dòng ra việc đền tội cho, như các anh Phục vụ thấy là thích hợp hơn cả, theo ý Thiên Chúa. (3) Các anh Phục vụ phải coi chừng, đừng nóng giận và để mình dao động về tội lỗi kẻ khác, bởi vì sự nóng giận và dao động làm mất lòng yêu mến nơi mình và nơi những người khác[12].

Chương VIII

VIỆC BẦU CỬ ANH TỔNG PHỤC VỤ CỦA HUYNH ĐỆ ĐOÀN NÀY VÀ TU NGHỊ DỊP LỄ NGŨ TUẦN

(1) Toàn thể anh em buộc phải luôn luôn có một trong những anh em của Hội Dòng làm Tổng Phục vụ và tôi tớ của toàn thể Huynh đệ đoàn, và buộc nhặt phải vâng phục anh ấy. (2) Khi anh Tổng Phục vụ qua đời[13], các anh Tỉnh Phục vụ và là những người gìn giữ anh em[14] phải bầu người kế nhiệm tại Tu nghị dịp lễ Ngũ tuần. Các Tỉnh Phục vụ phải luôn luôn tham dự Tu nghị ấy ở nơi nào tùy Tổng Phục vụ ấn định. (3) Tu nghị này phải được tổ chức ba năm một lần, hay sớm muộn hơn, tùy Tổng Phục vụ sắp đặt.

(4) Nếu khi nào toàn thể các anh Tỉnh Phục vụ và là những người gìn giữ anh em nhận thấy anh Tổng Phục vụ không đủ khả năng làm tròn bổn phận và mưu ích chung cho anh em, thì các anh ấy là những người có quyền bầu cử, vì danh Chúa, buộc phải bầu người khác làm Tổng Phục vụ.

(5) Sau cuộc Tu nghị lễ Ngũ tuần, nếu các anh Tỉnh Phục vụ và là người coi sóc anh em muốn và thấy là thích hợp, thì cũng năm ấy, có thể triệu tập anh em trong tỉnh dòng mình[15] về họp Tu nghị một lần.

Chương IX

CÁC ANH EM GIẢNG THUYẾT

(1) Anh em không được giảng trong giáo phận của một giám mục, khi ngài ngăn cấm[16]. (2) Không ai trong anh em được cả gan giảng cho dân chúng, khi chưa được anh Tổng Phục vụ của Huynh đệ đoàn xem xét, chấp thuận và giao cho nhiệm vụ giảng dạy. (3) Tôi cũng nhắc nhở và khuyến khích các anh em giảng thuyết hãy dùng lời lẽ cân nhắc và thanh nhã (x.Tv 11,7; 17,31), để giúp ích và xây dựng cho dân chúng; (4) lấy lời vắn tắt [17] mà nói cho họ về các tật xấu và các nhân đức, hình phạt và vinh quang, vì Thiên Chúa [18] đã thực  hiện một  Lời vắn tắt [19] trên trần gian (x.Rm 9,28).
Chương X 
VIỆC KHUYÊN BẢO VÀ SỬA DẠY ANH EM

(1) Các anh Phục vụ và tôi tớ của các anh em khác, hãy thăm viếng và nhắc nhở anh em mình, sửa dạy họ với lòng khiêm nhường và bác ái, đừng truyền điều gì ngược với linh hồn họ[20] và Luật Dòng chúng ta. (2) Các anh em dưới quyền hãy nhớ rằng vì Thiên Chúa, mình đã từ bỏ ý riêng. (3) Vì thế, tôi buộc nhặt anh em phải vâng lời các anh Phục vụ trong tất cả những điều đã hứa với Chúa sẽ tuân giữ và những điều không nghịch với linh hồn mình cũng như với Luật Dòng chúng ta.

(4) Bất cứ ở đâu, nếu anh em nào biết và nhận thấy mình không thể tuân giữ Luật Dòng theo Thánh Khí[21], thì có bổn phận và có thể chạy tới các Anh Phục vụ của mình. (5) Phần các Anh Phục vụ, hãy tiếp đón họ cách nhân hậu và dịu dàng, phải tỏ ra thân mật sao cho họ có thể nói năng và cư xử với các anh như chủ đối với tôi tớ. (6) Quả thật phải như thế, vì các Anh Phục vụ là những người tôi tớ của toàn thể anh em.

(7) Tôi nhắc nhở và khuyến khích anh em nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hãy tránh mọi hình thức kiêu ngạo, hư danh, ganh tị, tham lam (x.Lc 12,15), bận tâm và lo lắng về đời này (x.Mt 13,22), gièm pha và lẩm bẩm. Ai không biết chữ thì đừng chăm lo học hành[22]; (8) nhưng hãy chăm lo điều này là, trên hết mọi sự, ao ước được Thần Linh Chúa hiện diện và tác động nơi mình, (9) cầu nguyện cùng Người luôn luôn với tâm hồn trong sạch, sống khiêm nhường, nhẫn nhục khi bị bách hại và đau ốm, (10) yêu mến những kẻ bách hại, khiển trách và buộc tội chúng ta, vì Chúa đã nói: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi và vu khống anh em” (x.Mt 5,44). (11) “Phúc thay ai chịu đựng sự bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). “Ai bền chí đến cùng, sẽ được cứu độ” (Mt 10,22).

Chương XI: ANH EM KHÔNG ĐƯỢC VÀO CÁC NỮ ĐAN VIỆN

(1) Tôi mạnh mẽ truyền lệnh cho toàn thể anh em không được giao thiệp hay chuyện trò cách khả nghi với phụ nữ, (2) và vào các nữ đan viện[23], ngoại trừ những người được Tòa Thánh ban phép đặc biệt. (3) Anh em cũng không được đỡ đầu cho ai, nam cũng như nữ, kẻo nhân dịp ấy sinh ra cớ vấp phạm giữa anh em hay liên hệ đến anh em.

Chương XII

NHỮNG ANH EM ĐẾN VỚI NGƯỜI HỒI GIÁO VÀ CÁC DÂN NGOẠI KHÁC

(1) Tất cả những ai trong anh em được Chúa linh hứng, muốn đến với những người Hồi giáo[24] và những dân ngoại khác, hãy xin phép anh Tỉnh Phục vụ của mình. (2) Phần các anh Phục vụ chỉ cho phép những ai các anh thấy là có đủ khả năng[25].

(3) Để thực hiện những điều này[26], nhân danh đức vâng lời, tôi buộc các anh Phục vụ phải xin Đức Giáo hoàng một vị Hồng y của Hội Thánh Rôma làm người cai quản, bảo trợ và sửa dạy Huynh đệ đoàn này[27], (4) để luôn luôn phục tùng và quì gối dưới chân Hội Thánh, bền đỗ trong đức tin công giáo (x.Cl 1,23), chúng ta tuân giữ sự nghèo khó, khiêm nhường và thánh Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô như chúng ta đã quyết tâm thề hứa[28].

[Vậy, không một ai được phép vi phạm hay cả gan chống lại văn thư xác nhận này của Ta. Nếu ai dám làm như thế, thì hãy biết rằng mình sẽ chuốc lấy cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn năng và của các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

Ban hành tại Latêranô ngày 29 tháng 11, năm thứ tám sứ vụ Giáo hoàng của Ta[29]].

 


[1] Đầu đề bằng La-ngữ: Regula bullata, x.SCRIPTA,tr.322

[2] Hônôriô III, làm giáo hoàng từ 1216 đến 1227.

[3] Bản văn hiện thời gồm 12 chương, mỗi chương có đầu đề riêng. Lúc đầu không có như vậy. Việc phân chia thành chương được thực hiện sau; mục đích là để bản văn còn được đọc trong phụng vụ. Con số 12 mang một ý nghĩa tượng trưng: luật dòng này phù hợp với “quy luật của các Tông đồ” (apostolica regula); 12 chương tượng trưng cho 12 nền móng tông-đồ và 12 cửa của thành Giê-ru-sa-lem mới qua đó anh em đi vào đời sống phúc-âm và đi vào Thành thánh trên trời. Tuy nhiên cách phân chia thành chương như vậy nhiều khi cắt đứt mạch ý ban đầu; rõ ràng nhất là các chương 2, 6, 10, 11 và 12: đầu đề các chương ấy chỉ nói lên một phần nội dung của chương thôi! Vì thế người ta có thể đọc bản văn mà không cần chú ý tới các chương mục đó (x.K.Esser, Die endgueltige Regel der minderen Brueder im Lichte der neuesten Forschung, Werl/Wesfalen 1965, trang 8-9).

[4] Hônôriô III, Sắc chỉ Cum secundum consilium, ban ngày 22-9-1220; điều 3 nói: “một khi đã tuyên khấn, không tu sĩ nào cả dám bỏ Dòng của các con”.

[5] Giáo sĩ và giáo dân trong chương này có nghĩa là những người có học-vấn (biết đọc và biết viết), và những người không có hoc-vấn (không biết đọc và không biết viết).

[6] Điều này có nghĩa là các anh em giáo sĩ dùng quyển Sách Nhật tụng như Đức Thánh Cha. Đây là điều rất mới mẻ; vì vào thời ấy mỗi giáo phận và mỗi Hội Dòng có cách cử hành thần-tụng riêng. Dần dần với các cuộc truyền giáo của anh em phan-sinh, sự kiện này sẽ giúp thống nhất phụng vụ trong toàn Giáo-hội.

[7] Về các Thánh vịnh, các anh em giáo sĩ phan-sinh không dùng bản dịch La-ngữ của giáo triều La-mã (Psalterium romanum), nhưng một bản dịch khác rất được phổ biến trong các nước Công-giáo lúc bấy giờ, nhất là tại Pháp (vì thế có tên là “Psalterium gallicanum”): đó chính là bản dịch phổ thông của thánh Giê-rôm ( dựa trên bản Hy-lạp mà Origien chuyển đạt).

[8] Khi cộng đoàn anh em càng ngày càng trở nên đông đảo thì phải tiên liệu nhiều điều chứ không thể sống qua ngày như khi mỗi nhóm anh em chỉ là hai, ba người; đàng khác một “người bạn thiêng liêng” không thể lo cho một số đông đảo anh em được, vì thế khoản luật cấm không sử dụng tiền bạc càng ngày càng trở nên khó khăn. Ngay năm 1226, khi thánh Phan-xi-cô còn sống, phái đoàn anh em đi truyền giáo ở Marốc đã được phép sử dụng tiền bạc (x.Bullarium Franciscanum I,26).

[9]Fideliter et devote. “Fideliter” ngụ ý: trung tín với ơn Chúa , Đấng đã kêu gọi anh em vào một nhiệm vụ cụ thể. “Devote” trong “Tác phẩm” thường đi kèm với lời cầu nguyện (“sốt sắng cử hành thần-tụng”: x.ThTd 41; “sốt sắng cầu nguyện cùng Cha cho họ”, tức là cho địch thù: x.K LC 8). Trong thần học cổ điển “devotio” được định nghĩa là “ý chí hiến thân mình một cách nhanh chóng vào những gì liên hệ đến việc phụng sự Thiên-Chúa”(St. Thomas, Somme Theoogique, Q.82, a.1; x. thêm J.A.Komonchak, edit, The New Dictionnary of Theology, Minnesota 1987, art. Devotion). Như vậy “devotio” không chỉ liên hệ đến việc cầu nguyện, mà là toàn cuộc đời hiến dâng cho Chúa. Câu Luật Dòng này muốn dạy anh em phải làm việc trong sự trung-tín với ơn Chúa ban và lòng nhiệt thành thực hiện Thánh Ý Người.

[10] Đức nghèo khó Phan-sinh phải được thể hiện ra bên ngoài chủ yếu bằng lao động. Đi hành khất chỉ là luật trừ. Thánh Phanxicô đã nói: “Khi người ta không trả công, chúng ta hãy chạy đến bàn ăn của Chúa”, nghĩa là đi hành khất (DC. 22). Vì thế chương V này nói về “Cách thức làm việc”; còn việc đi xin của bố thí được đề cập ở chương VI.

[11] Như vậy chức linh mục không phải là điều kiện để trở thành Tỉnh Phục vụ hay Tổng Phục vụ.

[12] Chương này có liên hệ mật thiết với chương trước: người anh em có tội cũng là một người anh em đau ốm. Đối với thánh Phan-xi-cô tội lỗi của kẻ khác phải khơi dậy nơi chúng ta một tâm tình mà thôi: đó là tình huynh đệ đích thực: ai tức tối với người anh em có tội, thì chưa có đức nghèo khó nội tâm đích thực (x.Hn 11,3).

[13] Vào thời này chức vụ Tổng phục vụ kéo dài suốt đời.

[14] “Ministri et custodi” ở đây là một kiểu nói lặp của thánh Phanxicô giống như “minister et servus” (người phục-vụ và tôi tớ).Vì thế từ “custos” trong câu văn này của bản luật chưa có nghĩa là “giám hạt”; mãi về sau (rõ ràng là từ 1230) nó mới có nghĩa này, khi tỉnh dòng trở nên đông đảo và có thể có thêm một hạt dòng, nghĩa là một phần của Tỉnh dòng. Ở cuối câu 4 trong chương này, “custos” có nghĩa là Tổng phục vụ. Về các chức vụ: xem thêm ghi chú nơi Thư gửi một Anh Phục-vụ, Xem: K.Esser, Origini e valori autentici dell’ Ordine dei Frati Minori, Milano 1972, trang 87-88.

[15] “In suis custodiis”: kiểu nói này ở đây đồng nghĩa với “in suis provinciis”, nghĩa là “trong tỉnh dòng của mình”, x.K.Esser, Sđd., trang 101, ghi chú 118.

[16] Đức giáo hoàng Innoxenxiô III đã cho phép Phanxicô và anh em “đi rao giảng sự thống hối cho mọi người” (1Cel. 33). Vào thời ấy đó là một ân huệ đặc biệt của Đức thánh Cha. Nhiều vị giám mục không đồng ý (2Cel. 147). Vì thế thánh nhân không muốn anh em dùng quyền Đức thánh cha ban, nếu các giám mục không đồng ý. Về sau thánh nhân còn đi xa hơn: ngay cả khi một cha xứ từ chối, thì ngài cũng không giảng (DC 7). Đối với Phan-xi-cô ý của các ngài là ý của Chúa! Một vài anh em đã không theo chỉ thị đó, nên thánh nhân đã nhắc nhở họ một cách cặn kẽ (x.2Cel. 146).

[17] Brevitate sermonis: “lời vắn tắt: có thể được hiểu là lời lẽ khiêm tốn, dựa theo ý nghĩa của “Lời vắn tắt” ( Verbum abbreviatum ) trong phần sau của câu văn: Xem ghi chú 240 .

[18] Trong câu nói của Thánh Phao-lô (mà Thánh Phanxicô trích ở đây), từ Dominus chỉ Thiên Chúa. Trong bài giảng của mình Thánh Bênađô giải thích rõ là Thiên Chúa Cha ( sẽ trích dịch ở chú thích sau).

[19] Verbum abbreviatum (dịch sát: lời vắn tắt ) ở đây có nghĩa là Ngôi Lời nhập thể bé mọn. Thực ra thánh Giê-rôm đã dùng kiểu nói La-tinh này để dịch một từ Do-thái (haratz) trong Is.10,22-23 có nghĩa là “phán quyết” (lời mà Thiên-Chúa đã “cắt”). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (9,28) trích câu nói của Isaia theo nghĩa đó: “Quia verbum breviatum faciet Dominus super terram” (vì Thiên Chúa sẽ thực hiện lời đã phán quyết trên trần gian). Xét về hình thức thì Thánh Phanxicô đã trích câu nói của Thánh Phaolô, chỉ khác ở một điểm là từ “faciet” ở thì tương lai (sẽ thực hiện) đã được đổi sang thì quá khứ “fecit” (đã thực hiện): việc thay đổi này có ý nghĩa, vì kiểu nói “verbum abreviatum” nay không còn mang ý nghĩa như trong Isaia nữa. Để hiểu kiểu nói “verbum abbreviatum” ở đây, ta cần chú ý tới bối cảnh văn hóa của thời đại: trong suốt thời Trung-cổ kiểu nói trên đã được các giáo phụ và văn-sĩ của Giáo hội giải thích theo nhiều nghĩa: 1.Tin Mừng của Chúa Giê-su là bản tóm tắt của Cựu-ước, đặc biệt điều răn báái là bản tóm tắt của mọi giới răn; 2.Kinh Lạy Cha, bản tóm tắt của mọi lời kinh (Origien,Tertulianô, Euxêbiô, Âu-tinh, Xiprianô…); 3.Ngôi Lời nhập thể nhỏ bé, khiêm hạ (Anaclet, Giê-rôm, Bênađô); 4.Ngôi Lời có cuộc sống vắn vỏi ở trần gian (Haymon d’Aberstad, Bonaventura; x.E.Bihel, Deux citations bibliques de Saint Francois, trong báo “France Franciscaine XII,1929, p.529-539).Vì thánh Phan-xi-cô thường hiểu Kinh thánh qua lời giảng dạy của các giáo-sĩ, nên ta có thể vững tâm cả quyết là ngài đã hiểu “Verbum abbreviatum” không phải theo nghĩa đen (lời lẽ ngắn ngủi), nhưng theo nghĩa mà thánh Bênadô và các nhà giảng thuyết khác đã giải thích và phổ biến trong thế kỷ XII, tức là Ngôi Lời nhập thể bé mọn. Trong một bài giảng dịp lễ Giáng-sinh, Thánh Bê-na-đô nói: “Chẳng lạ lùng gì nếu chúng tôi giảng vắn tắt, vì Thiên Chúa Cha đã thực hiện một Lời vắn tắt (Verbum abbreviatum). Các bạn có muốn biết Lời mà Người đã thực hiện dài thế nào và vắn thế nào không? Lời ấy nói: “Ta lấp đầy trời và đất”, tuy nhiên bây giờ thì “Lời đã trở thành xác phàm” và được đặt trong một máng cỏ nhỏ bé” (được trích trong quyển sách của Michael W.Blastic & Jay M.Hammond & J.A.Wayne, editors, Studies in Franciscan Sources, vol. 2 (The Writings of Francis of Assisi: Rules, Testament and Admonitions), Ashland. Ohio, USA, 2011, p.189. Như vậy đối với Phanxicô mẫu gương cho những anh em đi giảng là Ngôi Lời nhập thể bé mọn; do đó các từ “brevitate sermonis” trong phần đầu của câu văn không chỉ có nghĩa đen là lời lẽ ngắn ngủi, nhưng sâu xa hơn, đó là “lời lẽ khiêm tốn”.

[20] Thánh Phan-xi-cô rất quan tâm tới “sự linh hứng của Chúa” trong lương tâm mỗi người anh em (x.Lksc 5,6; Lsc. 2,7; 7,2.v.v.) Vì thế Luật Dòng nêu ra rất nhiều luật trừ: đó là một nét độc đáo trong Luât Dòng của thánh Phan-xi-cô. Điều quan trọng đối với thánh nhân là bề trên và bề dưới phải tuân theo Thánh ý Chúa: đó mới chính là sự vâng lời đích thực (x.K.Esser, Thèmes spirituels, Paris 1958, p.114-118).

[21] Spiritualiter, một cách thiêng liêng, x. ghi chú ở Lksc 16,5. Cha C.Paolazzi cũng đã dịch là “secondo lo Spirito” (theo Thánh Khí) và giải thích là từ “spiritualiter” phải được hiểu theo nghĩa mà Thánh Phaolô đã dùng như trong 1Cr 2,14: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí (spiritualiter) mới có thể xét đoán”.

[22] Vào thời những anh em tiên khởi học hành là con đường duy nhất để nhanh chóng được thăng tiến trong xã hội. Nhiều người lo lắng học hành, kể cả học thần-học “để được xem là khôn ngoan hơn người khác và để có thể kiếm được nhiều của cải…” (Hn 7,2). Thánh Phan-xi-cô đối lập việc học-hành theo tinh thần thế tục đó với việc học hành nhắm mục đích tôn vinh Thiên-Chúa (x.Hn 7,4).

[23] Dòng Citeaux và Prémontré đã có những khoản luật theo hướng này. Lý do là vào thời Trung-cổ nhiều đan viện nữ hoặc cộng đoàn các nữ-tu muốn được liên-kết với các đan-viện nam để được hưởng sự giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Chính thánh Phanxicô cũng đã hứa là ngài và anh em ngài “sẽ ân cần săn sóc và đặc biệt lo lắng” cho các chị em của thánh Cla-ra (x. LCl. 2). Nhưng khi có nhiều cộng-đoàn nữ xin được liên kết với Dòng Anh em Hèn Mọn, thì thánh Phan-xi-cô phản đối kịch liệt sự phát triển tập tục này. Chương XI nằm trong bối cảnh đó. Tuy nhiên ngài đành chấp nhận ý muốn của Giáo-hội là đã đặt nhiều đan viện nữ dưới quyền săn sóc của các Anh em Hèn Mọn. Vì thế ngài phải thêm câu: “trừ những người được Tòa thánh ban phép đặc biệt” (x.thêm 2Cel. 205 ).

[24] Tiếng La-tinh “Saraceni” phiên âm từ tiếng A-rập “charqiyin” = “những người phương Đông”: đó là tiếng người châu Âu thời Trung cổ dùng để chỉ những người Hồi-giáo.

[25] Luật Dòng thánh Phanxicô là luật dòng đầu tiên trong lịch sử Giáo-hội bàn đến việc gửi anh em đi truyền giáo nơi các dân ngoại. Khoản luật này chủ yếu nêu lên trách nhiệm của các Anh Phục vụ. Trong Lksc (ch.16) Phanxicô đã cho anh em những lời khuyên liên hệ đến phương pháp truyền giáo.

[26] Ad haec: “những điều này” chỉ toàn bản luật.

[27] Đức Hồng-y bảo trợ là dấu chỉ cho tính công-giáo của Hội Dòng (x.2 Celano 24-25). Như vậy quyền hành tối thượng trên Hội Dòng nằm trong tay vị đại diện Đức Giáo hoàng, chứ không phải một anh em nào trong Dòng. Những người có trách nhiệm đối với anh em là những người “phục vụ và tôi tớ”.

[28] Phần kết của bản luật nhắc lại hai nguyên tắc cơ bản của đời sống phan-sinh: đó là bước theo Chúa Ki-tô nghèo khó và khiêm nhường như Phúc-âm dạy; và hoàn toàn tuân phục Hội thánh Công-giáo La-mã.

[29] Hônôriô III được bầu chọn làm giáo hoàng ngày 18-7-1216. Như vậy sắc chỉ Solet annuere được ban hành ngày 29-11-1223.