Những vạt nắng chói chang khiến tiết trời thêm oi bức… Sài Gòn đã lâu chẳng nghe tiếng mưa rơi tí tách bên thềm nhà… Bỗng một hôm, đâu đây, chú ve cô đơn cất lên điệu nhạc quen thuộc. Núp sau tán lá rộng, những “nghệ sĩ thực thụ” cũng đã sẵn sàng để phô diễn những bản nhạc du dương. Tiếng ve mời gọi cũng đã làm thức tỉnh những cánh phượng e ấp. Sau một đêm mưa rả rích, những tán phượng vĩ tô điểm cả một trời ngát tươi. Thế là, Hạ đã vào: mùa của bao lưu luyến chia ly, mùa của bao hoài niệm đã ngay bên. Sau 9 tháng 10 ngày được cưu mang dưới tán trường Phú Trung đậm đà tình Chúa và đong đầy tình người, anh em chúng tôi cũng đến lúc “bay cao hơn và xa hơn”.

       Ngày “chia ly”, phượng nở rực cả một góc trời: phải chăng đó là “nỗi buồn hoa phượng” hay sắc hồng thắm của một tương lai tươi mới? Dù là hàm nghĩa nào, thì đây cũng là khoảnh khắc đáng trân quý về những ngày tháng được thực hành Mục vụ, được đón nhận, được yêu thương và được trao ban cơ hội lớn lên ngang qua những cuộc gặp gỡ đầy tính Hiện Sinh. Sự hiện hữu của con người trên cõi đời này đã là một sự kì diệu, nhưng việc “nó” được “dính dự” vào trong sự chuyển động của vũ trụ còn diệu kì hơn. Như thế, “dính dự” lại là một quà tặng và là quà tặng tuyệt hảo mà Thiên Chúa Cao Cả đã trao ban cho mỗi người. “Những con người khác nhau, đến từ những cảnh đời và văn hóa khác nhau, có thể trở nên quà tặng”[1]. Và một khi đã trở nên quà tặng cho nhau, mỗi người phải dám đón lấy nó với trọn con tim và toàn vẹn cuộc sống của mình như chính Ngôi Con Chí Ái đã làm. Thật vậy, khi chúng ta chấp nhận sự dính dự và chân thành đón nhận người khác là một cách nào đó chúng ta đã dám trao “không gian của mình” cho người khác. Như thế, chúng ta đã dám để người khác “tự do đi vào lãnh địa” của chính chúng ta. Đó cũng là cách thế mà anh em đã phần nào “sống” dưới tán trường Phú Trung.


       “Trà sữa, Trà Dâu, Trà Đào không con ơi?” Thoạt đầu nghe, cứ ngỡ là những lời mời rất mượt mà của những nhân viên nhiệt tâm và yêu nghề. Nghe rồi thì được biết: đó là lời “chào hàng” đến từ hai Ông Thầy Viện Tu. Hay là: “Hôm nay có ve chai không Cô Chú ơi, cho tụi con xin”. Ô, ai mà bạo dạn thế? Thì cũng là hai Ông Thầy Viện Tu đó. Như đã nói ở trên, khi dám trao “không gian của mình” cho người khác, anh em đã đến, hòa mình và ở lại trong những bối cảnh rất hiện thực. Từ những chuyến xe Trà Sữa đến những chuyến hàng Ve Chai, đâu đâu cũng cần đến sự “bỏ mình”. Đã từng rất chễm chệ trong bộ Áo Dòng, đã được giới thiệu rất hẳn hoi là các Thầy Viện Tu về giúp Giáo xứ, nhưng khi hòa mình để nên nhân viên bán trà sữa, anh em được gọi là chú, là anh. Mỗi lần được gọi lại là một lần được nghe và dĩ nhiên cũng là một lần để anh em xác tín hơn về căn tính Hèn Mọn của mình vì quả thật, “Áo Dòng không làm nên Thầy Tu”.

       Những chuyến xe ve chai vẫn cứ lóc cóc các ngõ hẻm của Phú Trung để đến với các tấm lòng quảng đại. Nói như những người mưu sinh cùng nghề thì: “các Thầy đến để thu những gì người ta đã dọn sẵn, còn Cô Chú thì bắt đầu thu những gì người ta thải loại ra”. Hay là, “Đội quân ăn xin hạng sang vẫn cứ đều đặn thu góp”. Những phản hồi ấy không làm tim anh em đau nhưng lại giúp anh em biết sẵn sàng đón nhận các cảnh huống của cuộc đời. Đâu đó, anh em vẫn được người thương người mến và đâu đó, cũng rất nhiều người cần anh em cho thấy sự hiện hữu của “chứng nhân hơn Thầy dạy”.


       Tháng ngày Phú Trung được khép lại trong lưu luyến và đầy hoài niệm. Các thế hệ Anh Em sẽ lại nối tiếp nhau với những sứ vụ của gặp gỡ và trao ban. Những chuyến xe Ve Chai sẽ vẫn cứ lóc cóc trên hành trình “Việc làm Nhỏ, Ý Nghĩa Lớn” của nó. Xe vẫn cứ lăn bánh và lòng người vẫn cứ thao thức cùng nhau.

ANH EM MỤC VỤ
 

[1] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Thông Điệp Frateli Tutti, số 133.